Sự nghiệp điện ảnh Ingmar Bergman

Ingmar Bergman trên bìa tạp chí Time năm 1960

Rất nhiều nhà làm phim có tiếng trên thế giới như các đạo diễn người Mỹ Woody Allen, David Lynch[10], Stanley Kubrick[11], Robert Altman hay đạo diễn người Đan Mạch Lars Von Trier và đạo diễn người Ba Lan Krzysztof Kieślowski đều coi Ingmar Bergman như một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp điện ảnh của họ.

Đạo diễn nổi tiếng Woody Allen đã nhận xét rằng Bergman "có lẽ là nghệ sĩ điện ảnh vĩ đại nhất kể từ ngày khai sinh của nghệ thuật thứ bảy"[12]

Sự nghiệp điện ảnh của Ingmar Bergman bắt đầu từ năm 1941 khi ông tham gia viết lại kịch bản cho các bộ phim. Năm 1944 ông chính thức viết kịch bản hoàn chỉnh đầu tiên cho bộ phim Hets của đạo diễn Alf Sjöberg. Trong bộ phim này, Bergman cũng được giao nhiệm vụ trợ lý đạo diễn và thành công của nó cũng đã đưa đến cho Ingmar cơ hội đạo diễn bộ phim đầu tay một năm sau đó. Trong 10 năm tiếp theo, Bergman viết và đạo diễn hơn 10 bộ phim trong đó phải kể tới các phim Fängelse (1949) và Gycklarnas afton (1953).

Tác phẩm thành công ở tầm quốc tế đầu tiên của Bergman là bộ phim Sommarnattens leende (1955) khi nó được đề cử cho giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes. Hai năm sau đó đạo diễn cho ra đời hai bộ phim thuộc loại xuất sắc nhất của ông là Det sjunde insegletSmultronstället. Det sjunde inseglet đã giành giải thưởng của ban giám khảo và được đề cử giải Cành cọ vàng, còn Smultronstället đã mang lại cho đạo diễn của nó và diễn viên chính Victor Sjöström rất nhiều giải thưởng.

Đầu thập niên 1960 Bergman đạo diễn bộ ba phim có đề tài tôn giáo: i en Spegel (1961), Nattvardsgasterna (1962) và Tystnaden (1963). Năm 1966 Ingmar cho ra đời bộ phim Persona, được chính đạo diễn coi là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của ông[13] và được coi là một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới mặc dù nó không đoạt nhiều giải thưởng. Năm 1972 ông hoàn thành tác phẩm quan trọng thứ hai của sự nghiệp, bộ phim Viskningar och rop, bộ phim duy nhất của Bergman được đề cử Giải Oscar Phim hay nhất. Các tác phẩm đáng chú ý khác trong giai đoạn này của đạo diễn là Jungfrukällan (1960), Vargtimmen (1968), Skammen (1968) và En Passion (1969). Bergman còn thường xuyên tham gia đạo diễn các bộ phim truyền hình, trong đó phải kể tới Scener ur ett äktenskap (1973) và Cây sáo thần (Trollflöjten - 1975).

Sau vụ bê bối trốn thuế năm 1976, Ingmar Bergman thề rằng ông sẽ không bao giờ làm phim trên quê hương Thụy Điển nữa. Ông đóng cửa xưởng phim ở đảo Fårö và bắt đầu cuộc sống lưu vong. Tại Đức ông thực hiện bộ phim nói tiếng Anh duy nhất của mình, phim The Serpent's Egg (1977). Một năm sau đó ông làm đạo diễn cho sản phẩm hợp tác Anh - Na Uy với tựa đề Höstsonaten, đây là một trong những bộ phim xuất sắc nhất của Bergman.

Năm 1982, đạo diễn lần đầu quay lại quê nhà để đạo diễn bộ phim Fanny och Alexander, một tác phẩm được đông đảo người hâm mộ đón nhận nhưng lại chịu sự chỉ trích của các nhà phê bình vì cho rằng bộ phim của Bergman nông cạn và chạy theo mục đích thương mại[14]. Tuy sau đó bộ phim đã giành Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất, Bergman vẫn tuyên bố đây có thể sẽ là tác phẩm điện ảnh cuối cùng của mình. Ông tập trung vào đạo diễn sân khấu, viết kịch bản và đạo diễn một số loạt phim truyền hình. Tác phẩm cuối cùng của Ingmar Bergman là bộ phim truyền hình Saraband (2003), nó được hoàn thành khi đạo diễn Bergman đã 84 tuổi.

Rất nhiều cảnh quay nội cảnh trong các tác phẩm của Bergman đã được thực hiện tại trường quay Filmstaden ở phía Bắc Stockholm.

Phong cách sáng tác và đề tài

Bergman thường tự viết kịch bản cho các bộ phim của ông. Việc suy nghĩ cho kịch bản thường diễn ra hàng tháng, đôi khi là hàng năm trước khi công việc biên kịch thực sự bắt đầu. Các bộ phim giai đoạn đầu của đạo diễn được cấu trúc kịch bản rất cẩn thận, chúng thường được dựa trên những vở kịch của chính Ingmar hoặc được viết chung với các tác giả khác. Ở giai đoạn sau, Bergman thường dễ tính hơn và cho phép các diễn viên của ông sáng tạo thêm vào phần thoại. Còn trong những tác phẩm cuối đời, đạo diễn thường chỉ viết ý tưởng cho các cảnh quay và để diễn viên tự xác định đoạn thoại cuối cùng cho mỗi người.

Các bộ phim của Bergman thường mang những câu hỏi của thuyết hiện sinh (existentialism) về cái chết, sự cô đơn và niềm tin. Persona (1966) là một trong số ít tác phẩm của đạo diễn vừa mang yếu tố của thuyết hiện sinh, vừa mang yếu tố của chủ nghĩa tiền phong (avant-garde).

Tình yêu - trắc trở, ngang trái, không thể thổ lộ hoặc bị chối từ - thường là chủ đề trong các tác phẩm của đạo diễn. Phim của Bergman cũng hay có những cảnh thể hiện khát khao nhục dục của các nhân vật, dù cho họ đang ở thời Trung cổ (phim Det sjunde inseglet), những năm đầu thế kỉ 20 (Fanny och Alexander) hoặc thời hiện đại (Tystnaden), đặc biệt các nhân vật nữ lại thường thể hiện sự đam mê này rõ ràng hơn là các nhân vật nam và họ thường không ngại ngần để lộ ra tình cảm đó.

Nhóm cộng tác

Trong sự nghiệp của mình, Ingmar Bergman đã hình thành riêng cho ông một nhóm cộng tác thường xuyên. Đó có thể là các diễn viên hay được Bergman chọn vào phim của mình như Max von Sydow, Bibi Andersson, Harriet Andersson, Erland Josephson, Ingrid ThulinGunnar Björnstrand (mỗi người đều đã từng xuất hiện trong ít nhất 5 phim của Bergman). Nữ diễn viên Na Uy Liv Ullmann, người đã đóng 9 bộ phim do Bergman đạo diễn có lẽ là diễn viên thân thiết nhất của Bergman, cả về nghệ thuật và đời tư, họ đã có với nhau một người con gái là Linn Ullmann. Trong nhóm cộng tác của Bergman còn có nhà quay phim Sven Nykvist, người đã thực hiện những cảnh quay cho phim của đạo diễn từ năm 1953.

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ingmar Bergman http://www.bergmanorama.com/index.htm http://www.blastmagazine.com/2007/08/ingmar-bergma... http://www.dvdtalk.com/janharlaninterview.html http://www.imdb.com/name/nm0000005/ http://www.ingmarbergmanfoundation.com/ http://www.nytimes.com/2007/07/30/movies/30cnd-ber... http://www.rottentomatoes.com/vine/showpost.php?p=... http://www.salon.com/ent/movies/review/2006/12/07/... http://www.sensesofcinema.com/2002/great-directors... http://www.sensesofcinema.com/2005/cteq/winter_lig...